đá quý xử lí nhiệt là gì Trong thế giới đá quý nói chung, việc xử lý nhằm tăng vẻ đẹp của một viên đá cũng giống như việc một cô gái được trang điểm để trở nên hấp dẫn hơn, điều này dễ chấp nhận hơn với phân khúc người dùng muốn sở hữu những viên đá quý tuyệt đẹp như những món đồ phụ kiện thời trang cao cấp. Ngược lại, đối với những người muốn sở hữu viên đá không chỉ bởi vẻ đẹp mà còn bởi năng lượng và khả năng chữa lành tuyệt vời của nó thì việc can thiệp vào màu sắc, kết cấu đá bằng các biện pháp xử lý khác nhau sẽ phần nào phá vỡ và làm tổn hại năng lượng tự nhiên vốn có tồn tại bên trong như linh hồn của viên đá.
Có nhiều biện pháp xử lý khác nhau để tăng vẻ đẹp của một viên đá, và các biện pháp này không ít thì nhiều cũng sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn năng lượng đó. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra khái quát về phương pháp xử lý nhiệt và cách nhận biết. Hy vọng những điều này sẽ phần nào giúp bạn có sự lựa chọn đúng khi chọn mua cho mình những viên đá quý phù hợp với mục đích của bản thân.
Đá quý xử lý nhiệt là gì?
Bản chất của phương pháp này là tác dụng nhiệt độ cao lên đá quý làm thay đổi tính chất của các nguyên tố tạo nên màu sắc trong viên đá nhằm thay đổi màu sắc và độ tinh khiết của viên đá. Các loại đá quý có giá trị cao thường được áp dụng phương pháp xử lý này nhiều và rộng rãi nhất là Ruby, Sapphire vì những lý do dưới đây:
- Phương pháp xử lý này chỉ mô phỏng quá trình diễn ra trong tự nhiên (nhiệt độ và áp suất tự nhiên trong quá trình hình thành đá quý trong lòng đất) nên chỉ tác động vào những gì có sẵn bên trong viên đá.
- Màu sắc tạo nên sau quá trình xử lý không thay đổi theo thời gian (không bị mờ, đục, đổi màu, xuống màu)
- Phương pháp xử lý này không thêm bất kỳ chất gì khác vào bên trong viên đá, không thay đổi tính chất có sẵn, không có hóa chất hay khoáng chất độc hại được thêm vào.
Một số loại đá quý được xử lý nhiệt thường gặp:
- Hổ phách: Thường được ngâm trong dầu nóng làm màu trở nên đậm hơn và tăng độ trong.
- Thạch anh tím: qua xử lý có thể biến đổi thành không màu, vàng, nâu, lục hoặc màu sữa.
- Aquamarine: Xử lý nhiệt sẽ làm mất hoặc giảm ánh phớt lục trong Aquamarine.
- Ruby, Sapphire: Làm tăng độ trong suốt, tăng độ đồng đều màu sắc, tăng hiệu ứng sao…
- Tanzanit: Làm giảm sắc nâu và tăng cường màu lam.
- Ngà voi: Trở thành màu đen.
- Tourmaline: Màu lam hoặc lam lục của Tourmaline có thể chuyển thành màu hồng, tourmaline đỏ sẽ trở nên nhạt màu hơn.
- Topaz: Topaz vàng có thể chuyển sang màu hồng.
- Zircon: Không màu chuyển sang màu xanh da trời, màu nâu chuyển sang màu nâu phớt đỏ.
- Cẩm thạch (Jadeite): Tăng độ trong, độ tươi màu, làm giảm tạp chất và tăng độ bóng
(Sapphire trước và sau xử lý)
Đá quý được xử lý nhiệt có được coi là đá quý thật không?
Đá quý được nung nhiệt không có nghĩa là chúng trở nên kém chất lượng hay trở thành hàng giả. Bởi như đã nói, gần như thị trường coi việc xử lý này như một phần mở rộng của quá trình hình thành tự nhiên nhưng công dụng của nó phải đạt hiệu quả vĩnh viễn và người bán cần công khai điều này cho khách hàng.
Cách nhận biết đá quý được xử lý nhiệt là gì?
Một viên đá quý đã được xử lý nhiệt không khó để nhận dạng. Các dấu hiệu xử lý nhiệt chỉ xuất hiện và dễ phát hiện khi một viên đá được nung ở nhiệt độ cao, như Ruby và Sapphire. Hai loại đá Corundum này có thể chịu được nhiệt độ cao hơn 1000 °c thậm chí có khi đạt tới 2000 °c. Các tạp chất (khoáng chất ngoại lai) trong viên đá sẽ bị tan chảy hoặc phát nổ dưới nhiệt độ này, chính là dấu hiệu nhận biết viên đá có qua xử lý hay không.
Đối với nhiều loại đá bán quý, hầu như không thể biết liệu viên đá có qua xử lý nhiệt hay không vì nhiệt độ xử lý có thể thấp hoặc quá trình này đã xảy ra trong tự nhiên. Vì vậy, viên đá được xử lý nhiệt ngay trong tự nhiên hay do con người rất khó phân biệt, kể cả đối với các phòng thí nghiệm chuyên biệt.
Xử lý nhiệt có làm giảm giá thành của viên đá không?
Đối với các loại đá có giá trị thấp, giá cả giữa viên đá đã qua xử lý nhiệt và chưa qua xử lý nhìn chung sẽ không chênh lệch quá nhiều. Tuy nhiên, đối với những loại đá quý chất lượng cao và có giá cao hơn, như Ruby và Sapphire, được xác thực là chưa từng qua xử lý nhiệt trong giấy chứng nhận chất lượng uy tín (như chứng nhận GIA) thì giá sẽ cao hơn nhiều.
Độ hiếm càng cao, giá trị thương mại của viên đá chưa qua xử lý càng cao. Ví dụ, một viên Ruby lớn chất lượng cao với ít hoặc không có tạp chất là cực kỳ hiếm, nếu chưa được xử lý, giá của viên đá này có thể cao gấp 3-5 lần so với những viên Ruby đã được xử lý nhiệt để có được chất lượng tương tự.
Riêng những trường hợp như Topaz xanh lam và Tanzanite, việc xử lý nhiệt sẽ làm tăng giá trị vì màu sắc ban đầu của chúng không phải là loại mà người mua ưa thích.
Nhận biết đá quý xử lý nhiệt.
Chúng ta có thể nhận biết các loại đá quý xử lý nhiệt bằng việc xem xét các đặc điểm bên trong, thông qua các biến đổi do nhiệt độ gây ra trên bao thể khoáng vật. Lưu ý, cách nhận biết này đòi hỏi một chút kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và công cụ kính phòng đại (đối với một số loại đá).
Bao thể trong ngọc học là bất cứ khoáng vật, vật liệu nào nằm bên trong một viên đá, chúng có thể nằm trong hoặc kéo dài trên bề mặt của một viên đá.
Tên bao thể | Trước xử lý | Sau xử lý |
Sợi Rutil | Các sợi không bị đứt đoạn | Sợi đứt đoạn dạng đốm tro, ngôi sao |
Sợi bơmit | Các sợi màu trắng theo các mặt song tinh trực thoi | Nóng chảy một phần hoặc hoàn toàn |
Các đám cam sắt | Màu nâu, vàng nâu đến da cam, phớt đỏ | Các tích tụ màu phớt nâu, phớt đen, đôi khi màu trắng, thường chuyển thành vân tay |
Bao thể lỏng: | ||
-Nguyên sinh | Là các khe nứt lấp đầy bằng các chất lỏng, lỏng/khí | Chất lỏng bị hòa tan, chất khí bị nổ hình thành các vân tay |
-Thứ sinh | Các vân tay | Có thể bị lấp đầy, có thể phát triển thành khe nứt |
Các bao thể dạng bông tuyết | Là các bao thể rắn thường có ánh mạnh | Biến đổi thành các dạng bông tuyết, thường phát triển các dạng đĩa thủy tinh |
Lỗ trống lấp đầy bằng vật liệu thủy tinh | Bao thể rắn kèm theo chất khí | Thường hình thành dạng đĩa thủy tinh |
Bao thể dạng riềm đăng ten | Bao thể rắn | Nóng chảy, hình thành dạng vòng nước tràn, đĩa thủy tinh, có thể đảo san hô vòng |
Bao thể dạng vòng sao thổ | Bao thể rắn kèm vân tay dạng xuyên tâm | Tinh thể sẽ có màu đen, tối, hình thành dạng đĩa thủy tinh hoặc đảo san hô vòng |
Riềm phóng xạ | Zircon kèm theo các chất lỏng bao quanh | Phát triển các vân tay hoặc khe nứt căng |
Đám màu xung quanh bao thể rắn | Tinh thể trong đám màu | Màu còn tập trung nhiều hơn xung quanh bao thể |
Các đường sinh trưởng | Góc, cạnh, thẳng, rõ nét | Bị biến dạng |
Các đới màu | Thẳng, sắc cạnh | Biến dạng, mờ nhạt |
Song tinh | Song tinh dạng tấm | Có thể bị gãy trong mặt song tinh |
Nếu bạn đã từng đi tìm và chọn mua những món trang sức phong thủy cho mình, chắc hẳn bạn sẽ thấy những viên ruby với màu sắc hồng tươi đc chế tác thành nhiều dạng vật phẩm khác nhau, bề mặt sáng bóng và được bạn với giá phải chăng thì rất có thể đây là những viên ruby đã qua các bước xử lý nhiệt để cải thiện màu sắc. Bên cạnh đó, các loại hổ phách với độ trong cao cùng bao thể bên trong lấp lánh ngẫu nhiên và phần “thịt” đá hầu như đạt độ trong suốt tinh khiết thì khả năng rất cao đây là hổ phách đã qua xử lý.
Loại đá nào thường được xử lý nhiệt?
Ruby – Hồng ngọc
Đá Ruby qua xử lý nhiệt sẽ mất đi màu tím, thay vào đó là màu đỏ thuần đặc trưng được nổi bật hẳn lên. Những viên Ruby có các tạp chất rutile rất nhỏ (tồn tại dưới dạng sợi) có thể được nung ở nhiệt độ cao và làm lạnh nhanh chóng để làm tan chảy thành phần ngoại lai này và khiến viên đá trong hơn.
Đá Sapphire – Lam ngọc
Một viên Sapphire ở nhiệt độ cao trong môi trường không có oxy sẽ có màu xanh đậm hơn, nếu có không khí thì sẽ nhạt màu đi. Cũng như Ruby, Sapphire được cải thiện độ tinh khiến nhờ nhiệt độ cao sẽ khiến các tạo chất bằng rutile tan chảy.
Những viên Sapphire nhạt màu từng bị bỏ qua trong quá trình khai thác nhưng ngày nay đã được xử lý nhiệt để có màu xanh lam thuần đẹp mắt
Đá Aquamarine – Ngọc hải lam
Đá Aquamarine trong quá trình nung nóng sẽ loại đi ánh lục và vàng để có được màu xanh lam thuần khiết mà mọi người yêu thích. Phương pháp xử lý nhiệt không thể làm cho viên đá rực màu hơn mà chỉ loại bỏ các sắc thái không mong muốn.
Sắc thái màu của Aquamarine biến đổi dưới các nhiệt độ xử lý khác nhau
Đá Amethyst – Thạch anh tím
Xử lý nhiệt có thể đem lại trạng thái màu rực rỡ nhất cho thạch anh tím bằng cách làm sáng hoặc tối màu với mức độ phù hợp. Một số loại thạch anh tím có thể được nung nóng để chuyển sang màu thạch anh vàng. Một số người bán không tiết lộ điều này mà bán chúng như là loại thạch anh Citrine để thu được giá tiền cao hơn.
Một số viên thạch anh tím còn có thể chuyển sang màu xanh lục trong nhiệt độ cao, được gọi là đá Prasiolite. Hầu như tất cả Prasiolite trên thị trường đến từ thạch anh tím đã qua xử lý nhiệt.
Nhiều viên thạch anh tím đã được xử lý nhiệt để chuyển thành thạch anh vàng đắt đỏ hơn nhiều
Đá Citrine – Thạch anh vàng
Hầu hết tất cả Thạch anh vàng Citrine đã qua xử lý nhiệt đều có màu đỏ. Thạch anh vàng tự nhiên có thể được nung nóng để tăng độ rực màu từ vàng thuần sang vàng cam rất được ưa chuộng. Rất nhiều ‘Citrine’ trên thị trường đến từ việc xử lý nhiệt thạch anh tím, thường có màu cam cháy đến nâu.
Đá Topaz – Hoàng ngọc
Xử lý nhiệt một số đá Topaz vàng có thể tạo ra Topaz màu hồng. Khi kết hợp xử lý nhiệt và chiếu xạ (radiation), Topaz không màu có thể biến thành màu xanh lam.
Sau xử lý, Topaz không màu có thể chuyển sang màu xanh lam. Màu xanh lam đậm được gọi là “xanh dương London” (London Blue Topaz), màu trung bình được gọi là “xanh dương Thụy Sỹ” (Swiss blue topaz) và loại lam sáng được gọi là Topaz xanh da trời (Sky Blue).
Đá Tanzanite
Hầu hết tất cả đá Tanzanite trên thị trường đều được xử lý nhiệt để có màu xanh lam rực rỡ ánh tím. Tanzanite tự nhiên sẽ có màu xanh lam đậm nhưng loại này rất hiếm.
Đá Tourmaline – đá Bích tỷ
Một viên Tourmaline xanh lục đậm có thể được làm sáng màu thành màu xanh của Ngọc lục bảo (Emerald), có giá trị cao hơn nhiều trên thị trường. Tourmaline màu nâu sẫm (Dravite) cũng có thể sáng màu hơn. Hầu hết các phương pháp xử lý nhiệt không thể phát hiện trên loại đá này.
Đá Zircon
Một số đá Zircon màu nâu có thể chuyển sang màu xanh lam được ưa thích bằng cách nung nóng trong môi trường không có oxy. Nếu được xử lý nhiệt trong không khí, loại đá này sẽ có màu vàng, đỏ hoặc không màu.
Những viên Zircon xanh có được từ việc xử lý nhiệt các viên màu đỏ hơi nâu hoặc xám
Đá Kunzite
Đôi khi đá Kunzite được chiếu xạ và xử lý nhiệt để biến đổi màu nhạt thành màu tím hồng.
Đá Morganite
Giống như Aquamarine cùng họ khoáng chất, Morganite được nung nóng từ những viên màu cam thành Morganite màu hồng. Quá trình xử lý nhiệt này không thể phát hiện được, nhưng Morganite màu cam trên thị trường có nhiều khả năng không cần qua xử lý nhiệt.
Đá Hổ phách
Xử lý nhiệt có thể làm đá Hổ phách đậm màu hơn và tạo thành các hoa văn mặt trời bên trong viên đá.
Xử lý nhiệt còn có thể tạo ra các hiệu ứng tạp chất lấp lánh bên trong Hổ phách
Đá Mắt hổ
Hầu hết tất cả đá mắt hổ có màu đỏ trên thị trường đều được xử lý nhiệt từ những viên màu vàng để viên đá có giá trị cao hơn.
Đá Carnelian – Hồng ngọc tủy
Carnelian có thể thay đổi từ màu vàng nâu sang màu đỏ cam nhưng carnelian tự nhiên không quá hiếm có.
Thạch anh khói
Thạch anh khói rất đậm có thể được nung nóng để làm nhạt màu hoặc chuyển sang màu vàng và được bán dưới dạng Thạch anh vàng bắt mắt hơn.